Blog

Trang chủ Blog Thiết kế phòng khám nha khoa - Những thông số cơ bản
Thiết kế phòng khám nha khoa - Những thông số cơ bản

Thiết kế phòng khám nha khoa - Những thông số cơ bản

Thiết kế phòng khám nha khoa – Những thông số cơ bản.

1. Tổng quan không gian phòng khám
2. Bố trí các khu chức năng cơ bản của phòng khám nha khoa
3. Bố trí không gian chức năng của ghế nha khoa và các thiết bị khác
4. Bố trí đường đi của hệ thống ống nước, dây hơi, dây điện, cáp…
5. Hệ thống ánh sáng – Hệ thống điều hòa, thông gió
6. Lựa chọn vật liệu
7. Vệ sinh – Khử trùng
8. Thiết kế các kệ, tủ lưu trữ nha khoa
9. Bộ nhận diện thương hiệu

I. Tổng quan không gian phòng khám nha khoa

Trước khi đưa ra được cái nhìn tổng quan về thiết kế phòng khám, chủ đầu tư cần đưa ra một số yêu cầu cũng như thông tin cơ bản về phòng khám của mình như: Vị trí, diện tích sàn, số lượng ghế nha khoa, loại máy Xquang sử dụng, số lượng kệ tủ lưu trữ nha khoa, có bố trí phòng họp, phòng media không?
Từ những yêu cầu và căn cứ diện tích sàn đặt không gian phòng khám, các kiến trúc sư sẽ đưa ra được cái nhìn tổng quan và phân bổ một cách hợp lý nhất. Nên bố trí bao nhiêu ghế nha khoa, vị trí, phương hướng như thế nào để đạt được tối ưu cho chức năng hoạt động.

II. Bố trí các khu chức năng cơ bản của phòng khám nha khoa

Các khu chức năng cơ bản của phòng khám nha khoa bao gồm:

1. Quầy lễ tân – khu vực chờ
2. Khu vực tư vấn
3. Khu điều trị chung
4. Phòng tiểu phẫu – Cấy ghép Implant
5. Phòng X-Quang
6. Phòng lưu trữ - Vô khuẩn
7. Phòng Lab (nếu có)
8. Phòng họp – Hội ý chuyên môn
9. Phòng media
10. Phòng ướt – Đánh rửa dụng cụ
11. Nhà vệ sinh

III. Bố trí không gian chức năng của ghế nha khoa và các thiết bị khác

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong thiết kế phòng khám đó là bố trí không gian để làm việc xung quanh ghế nha khoa. Đối với thực tế thông thường, không gian lý tưởng cho một chiếc ghế sẽ là 9m và khoảng cách ghế với ghế 1,8m tối thiểu cho phòng điều trị chung. Đối với phòng tiểu phẫu – Cấy ghép Implant thì không gian tối thiểu là 12m.
Ngoài không gian để làm việc, cần tính đến khoảng cách và chuyển động của tay ghế nha khoa, vị trí tủ kệ lưu trữ nha khoa. Tất cả cần phân bổ hợp lý, thuận tiện cho thao tác của các nha sỹ và phụ tá.
Bên cạnh không gian ghế máy, vị trí không gian đặt máy Xquang, máy hơi, hệ thống sử lý nước thải cũng là điều cần quan tâm.

IV. Bố trí đường đi của hệ thống ống nước, dây hơi, dây điện, cáp…

Phòng khám nha khoa bao gồm nhiều chi tiết, hệ thông tích hợp lại với nhau. Vì vậy nếu cứ thực hiện mà không có thiết kế cụ thể, thì kết quả rất có thể sẽ là dây điện, ống nước, dây cáp, dây hơi…hiển thị mọi nơi xung quanh bạn.
Với kết nối điện, đầu vào nước, đầu vào nước RO, đầu thoát nước, đầu hút, dây hơi máy nén…xung quanh một ghế nha khoa đã đủ phức tạp chưa tính tới hệ thống chiếu sáng, âm thanh, cáp…. Chính vì vậy cần có kế hoạch thiết kế chi tiết, tỉ mỉ để mọi thứ trở nên gọn gàng, sạch sẽ.

V. Hệ thống ánh sáng – Hệ thống điều hòa, thông gió

Nếu có thể thì ánh sáng tự nhiên tối ưu là điều kiện thích hợp nhất cho một phòng khám nha khoa, nó thậm chí còn giúp cải thiện hiệu quả của công việc. Cần phải có một hệ thống chiếu sáng đồng đều, đặc biệt là trong khu tiểu phẫu.
Nên tránh sử dụng ánh sáng màu vàng trong trang trí vì nó dễ gây mất tập trung, ảnh hưởng đến công việc cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận.
Hệ thống điều hòa, thông gió vốn đã rất cần thiết, nhất là trong lĩnh vực y tế với nhiều chất sát khuẩn và mùi đặc trưng. Không khí trao đổi thông thoáng, mát mẻ đem lại sự thoải mái cho cả nhân viên và khách hàng.

VI. Lựa chọn vật liệu

Đối với thiết kế nội thất phòng khám nha khoa, khâu lựa chọn vật liệu thi công là một điều khá khó khăn khi phải cân đối giữa độ bền, thẩm mỹ và giá thành.
Sàn trong lĩnh vực y tế nên lựa chọn gạch lát có độ lì nhất định để tránh trơn trượt. Nếu có thể nên chọn sàn nhựa giả gỗ, mang khá đủ đặc tính sàn gỗ lại chống nước, dễ dàng vệ sinh với những dung dịch sát khuẩn, độ bền cao.
Ngoài ra nên sử dụng vật liệu kính nhiều, cải thiện không gian, thông thoáng tầm nhìn mà lại mang vẻ sang trọng lịch sự cần thiết.
Phòng Xquang cần được xây dựng bằng vật liệu chì hoặc vật liệu chuẩn về yêu cầu che chắn bức xạ, tiêu chuẩn của Bộ y tế.

VII. Vệ sinh – Khử trùng

Vệ sinh và khử trùng là khía cạnh mang yếu tố quyết định trong đánh giá của khách hàng về dịch vụ của một phòng khám nha khoa. Chính vì vậy cần chú trọng thiết kế trong vấn đề này. Khu vực phòng ướt, phòng hấp sấy, phòng vô khuẩn cần thiết kế một cách hợp lý. Quan trọng hơn cả đó là toàn thể không gian cần thiết kế để đảm bảo dễ dàng vệ sinh.

VIII. Thiết kế các kệ, tủ lưu trữ nha khoa

Riêng về tủ lưu trữ vật liệu, dụng cụ nha khoa, hoàn toàn có thể mua sắm những mẫu có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên việc kết hợp thiết kế đồng bộ với thiết kế phòng khám vừa thuận tiện tối ưu trong sử dụng vừa giảm thiểu chi phí thị trường.
Việc thiết kế đồng bộ sẽ mang lại lợi ích trông thấy, các tủ kệ sẽ được thiết kế phù hợp với nhu cầu hiện có, thậm chí còn bao quát che chắn các máy móc rườm rà mang lại không gian gọn gàng ngăn nắp.

IX. Bộ nhận diện thương hiệu

Trong thời đại cạnh tranh, việc thể hiện được cái tôi, mang lại ấn tượng cho khách hàng về phòng khám của bạn chính là thương hiệu. Phòng khám nên được thiết kế với một chủ đề cụ thể xoay quanh giá trị bạn muốn mang lại cho khách hàng. Từ tông màu nội thất, màu sơn, cho tới biển quảng cáo, logo hay các ấn phẩm liên quan…tất cả đều phục vụ mục đích mang lại ấn tượng đối với khách hàng.